Tìm hiểu về Chiến Lược Sản Phẩm
Chiến lược sản phẩm là gì?
Chiến lược sản phẩm là việc xác định bạn muốn đạt được điều gì với sản phẩm của mình và bạn dự định sẽ thực hiện điều đó như thế nào.
Đây chính là kế hoạch bạn lập ra để hiện thực hóa tầm nhìn sản phẩm.
Chiến lược sản phẩm dành cho người Quản lý sản phẩm
Chiến lược sản phẩm mô tả đích đến của sản phẩm, cách thức để đạt được mục tiêu đó và lý do tại sao sản phẩm sẽ thành công.
Chiến lược sản phẩm không phải là lộ trình sản phẩm, kế hoạch dự án, tầm nhìn hay sứ mệnh của công ty. Đó cũng không phải là một mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được, như mục tiêu doanh thu. Đây là điều bạn cần xem xét lại thường xuyên và điều chỉnh dựa trên kiến thức mới, cho phép sự sáng tạo, linh hoạt và thích ứng.
Một chiến lược sản phẩm được định nghĩa rõ ràng bao gồm các yếu tố sau:
- Tầm nhìn sản phẩm (Product Vision): Mục đích của sản phẩm và tương lai mà bạn tưởng tượng cho người dùng khi họ có quyền truy cập vào sản phẩm của bạn.
- Sự hiểu biết sâu sắc (Insights): Các hiểu biết dựa trên dữ liệu mà bạn có thể sử dụng để hỗ trợ ra quyết định.
- Những thách thức (Challenges): Bất kỳ những khó khăn, trở ngại, thách thức nào bạn dự đoán sẽ cản trở việc bạn phát triển sản phẩm theo kế hoạch. Những rào cản này có thể về mặt kỹ thuật, pháp lý hoặc thị trường.
- Phương thức tiếp cận (Approach): Phương thức bạn sẽ áp dụng để thực hiện chiến lược. Bạn sẽ thực hiện theo hướng đơn lẻ hay đa dạng? Bạn sẽ vượt qua các thách thức đã xác định ở trên như thế nào?
- Định hướng theo kết quả (Accountability): Xác định các chỉ số thành công chính và lập kế hoạch cho việc thu thập và phân tích dữ liệu.
Note: Mình cố gắng tìm cách giải nghĩa từ Accountablity thì sau đó dịch ra là Định hướng theo kết quả là có vẻ phù hợp nhất, tham khảo tại: https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/Lecture-10-(VTL)-Performance-measurement-and-management-2022-04-27-08294692.pdf
Tại sao chiến lược sản phẩm lại quan trọng?
Một sản phẩm thành công không phải là do ngẫu nhiên.
Chính chiến lược sản phẩm là công cụ tuyệt vời nhất để giải quyết những vấn đề, nhu cầu thực sự của người dùng trong khi vẫn đạt được mục tiêu kinh doanh.
Các nhà lãnh đạo sản phẩm đặc biệt cần xây dựng một bộ kỹ năng chiến lược vững chắc để có thể tự tin đưa ra quyết định và dẫn dắt đội ngũ của mình hướng tới một tầm nhìn sản phẩm lâu dài.
Dưới đây là một số lý do chính tại sao việc có một chiến lược sản phẩm lại quan trọng:
- Tính tập trung: Khi bạn làm ra một sản phẩm cho tất cả mọi người, thực chất bạn đang tạo ra một sản phẩm không dành cho ai cả. Một chiến lược sản phẩm sẽ giúp các công ty tập trung nỗ lực vào việc phát triển và tiếp thị các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường mục tiêu nhất định.
- Phân bổ nguồn lực: Việc phát triển chiến lược sản phẩm cho phép các công ty xác định các ưu tiên chính, định thời gian biểu, ngân sách, nguồn lực một cách hiệu quả.
- Lợi thế cạnh tranh: Nghiên cứu chiến lược sản phẩm của bạn để xác định các đề xuất giá trị độc đáo và nổi bật trên thị trường.
- Sự đồng thuận: Chiến lược sản phẩm giúp đảm bảo rằng mọi người trong công ty đều hiểu rõ mục tiêu sản phẩm, khán giả mục tiêu và các tính năng chính. Sự đồng thuận này là cần thiết cho sự hợp tác và giao tiếp hiệu quả giữa các nhóm khác nhau, chẳng hạn như phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán hàng.
- Sự hài lòng của khách hàng: Một chiến lược sản phẩm tập trung vào khách hàng đảm bảo rằng các sản phẩm được phát triển với việc đặt khách hàng làm trung tâm, dẫn đến sự hài lòng và giữ chân khách hàng tốt hơn.
Cách xây dựng chiến lược sản phẩm
Để xây dựng chiến lược sản phẩm, bạn phải hiểu sâu sắc về thị trường, nhu cầu của khách hàng và mục tiêu kinh doanh.
- Đầu tiên hãy xác định thị trường mục tiêu của bạn: Định nghĩa thị trường mục tiêu cho sản phẩm bằng cách hiểu ai là người dùng / là khách hàng lý tưởng của bạn, những điểm đau của họ và sở thích, mong muốn của họ.
- Phân tích dữ liệu người dùng: Hiện tại người dùng của bạn đang sử dụng/sử dụng không thành công sản phẩm của bạn như thế nào? Họ thành công hay thất bại trong những gì? Họ có thể gặp phải sự cản trở nào? Kết hợp dữ liệu sử dụng này với dữ liệu hành vi/thị trường để có cái nhìn toàn diện về tình hình hiện tại và các cơ hội phía trước.
- Thực hiện nghiên cứu thị trường: Tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để hiểu về bức tranh cạnh tranh, xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng. Nghiên cứu này sẽ giúp bạn xác định các cơ hội và khoảng trống trên thị trường, cũng như các rào cản và thách thức tiềm tàng.
- Xác định tầm nhìn sản phẩm: Xác định tầm nhìn sản phẩm của bạn bằng cách tạo một tuyên bố rõ ràng về mục đích của sản phẩm, khán giả mục tiêu và đề xuất giá trị. Tuyên bố này là kim chỉ nam hướng dẫn cho tất cả các hoạt động, nỗ lực phát triển và tiếp thị sản phẩm.
Cách triển khai chiến lược sản phẩm của bạn
Sau khi bạn đã tạo ra một chiến lược sản phẩm. Xin chúc mừng! Giờ là lúc để chuyển chiến lược sản phẩm thành hành động.
Trong giai đoạn triển khai, lộ trình sản phẩm và danh sách các tính năng ưu tiên của bạn sẽ là nguồn tài nguyên hướng dẫn cho bạn.
Bây giờ cũng là lúc bạn nên định nghĩa các OKRs và tạo kế hoạch đo lường thành công sản phẩm.
Bước đầu tiên trong việc chuyển chiến lược sản phẩm từ ý tưởng thành hành động là ưu tiên các tính năng sản phẩm. Hãy làm điều này dựa trên nhu cầu của khách hàng, xu hướng thị trường, mục tiêu kinh doanh và mức độ phức tạp. Điều này giúp bạn phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và đảm bảo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu.
Sau đó, với danh sách ưu tiên này, hãy phát triển một lộ trình sản phẩm mô tả các mốc quan trọng, các tính năng và timeline cho việc phát triển sản phẩm. Đảm bảo lộ trình của bạn phù hợp với tầm nhìn sản phẩm và những mục tiêu kinh doanh!
Tiếp theo, hãy thực hiện theo lộ trình mà bạn đã xây dựng, sử dụng phản hồi từ các bên liên quan và khách hàng để học hỏi và thích nghi, điều chỉnh.
Ví dụ về chiến lược sản phẩm: Netflix for Kids
Tầm nhìn sản phẩm của Netflix for Kids là: Biến Netflix trở thành dịch vụ được tin cậy hàng đầu, giúp trẻ em dễ dàng tương tác với các nhân vật yêu thích và khám phá những nhân vật mới một cách thú vị.
Khi Disney+ ra mắt vào năm 2019, nó đã tạo ra một thách thức lớn cho Netflix for Kids, buộc họ phải toàn diện cải tổ chiến lược sản phẩm của mình.
Dựa trên nghiên cứu, họ biết rằng việc tiêu thụ các phương tiện truyền thông đối với trẻ em là do các nhân vật dẫn dắt. Trẻ em gắn bó với những dịch vụ vì chúng yêu thích một nhân vật cụ thể và sau đó chúng xem đi xem lại các nhân vật yêu thích của mình.
Vậy Netflix đã làm gì khi Disney+ đã đưa tất cả các nhân vật được yêu thích của khán giả của họ sang một nền tảng khác?
Netflix đã tạo ra các nhân vật được yêu thích của riêng mình. Họ tăng cường tương tác với nhân vật và khuyến khích xem đi xem lại nhiều lần.
Chiến lược sản phẩm mới này đã chứng tỏ là cực kỳ thành công, nhưng điều đó nó không xảy ra một cách tự nhiên. Nó đã cần đến một người Quản lý sản phẩm để thử nghiệm giả thuyết mà dữ liệu mang lại và thuyết phục các bên liên quan mạo hiểm thực hiện.
Cảm ơn bạn đã đọc hết nội dung trên, bạn cũng có thể xem nội dung gốc tại link: https://productschool.com/resources/glossary/product-strategy .